Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Chiến lược với quản lý cấp cao công ty


Khi chủ trì hoạch định chiến lược cho các công ty Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn lớn, tôi luôn gặp khó khăn, không phải với quản lý cấp trung hay nhân viên cấp thấp, mà lại chính với những cán bộ quản lý cấp cao ở đó. Điều này mới nghe có vẻ ngược đời vì làm sao có chuyện quản lý cấp cao của công ty, những người có quyền hạn và trách nhiệm rất cao trong công ty lại cản trở hay gây khó khăn cho một việc quan trọng như vậy?

Quả thực, lúc đầu tôi cũng rất ngạc nhiên, nhưng càng tham gia nhiều dự án chiến lược, kể cả ở các tập đoàn có quy mô lớn, tôi càng nhận ra đó là một thực tế đáng buồn ở hầu hết (vâng, hẩu hết) các doanh nghiệp Việt mà tôi từng trực tiếp quản lý hoặc tham gia ở các vai trò khác nhau. Thực tế đáng buồn này có thể gây ngạc nhiên; nhưng hệ quả của nó thì lại không hề đáng ngạc nhiên, và hầu như ai cũng thấy. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam thực sự chưa có chiến lược theo đúng nghĩa.

Hầu hết các công ty mà tôi được biết đến, khi được hỏi về chiến lược, người lãnh đạo cao nhất thường trả lời là có rồi. Vậy, nhưng khi tôi hỏi thêm chiến lược là gì, hướng đến mục tiêu gì, có thể được diễn giải ra sao, câu trả lời thường là thái độ lúng túng, thiếu tự tin hoặc đôi khi chỉ là... nét mặt trầm tư đầy suy nghĩ...

Nếu tôi hỏi "dấn" thêm chút nữa là chiến lược đó được hoạch định dựa trên cơ sở nào, ngoài người lãnh đạo cao nhất ra, các cấp quản lý khác có ai biết nó "mặt mũi" thế nào không? có một kế hoạch tổng thể hay cụ thể nào thực sự đã được lập và duyệt để triển khai, theo dõi, kiểm soát nó hay chưa... câu trả lời bấy giờ mới ngập ngừng là "À, chưa..."

Và khi, tôi đem những câu hỏi này ra hỏi riêng từng cán bộ quản lý cấp cao, mỗi người, hoặc là "ậm ừ" hoặc là sẽ có những câu trả lời khác nhau theo hiểu biết và quản điểm riêng của mình, không ai giống ai. Vậy thì sao gọi là có chiến lược được? Chiến lược, nếu có, phải nhất quán, rõ ràng, hướng đến những mục tiêu dài hạn rõ ràng; và phải được thấu hiểu, không chỉ ở "dàn" quản lý cấp cao, mà còn phải xuống tận từng cán bộ nhân viên để họ biết mà thực thi. Chiến lược, nếu có, phải được triển khai bằng những kế hoạch cụ thể, chi tiết đến từng hạng mục công việc, đến từng cấp quản lý và nhân viên, trong từng thời kỳ, với trách nhiệm được giao cho cho từng người... Chưa kể, còn phải theo dõi, kiểm soát đánh giá để hiệu chỉnh gì đó. Vậy chiến luocwj sao có thể chỉ ở trong đầu của lãnh đạo cao nhất được?

Khi đã thừa nhận là công ty chưa có chiến lược, hoặc đã có, nhưng chưa rõ ràng, nhất quán, thiếu cơ sở, lãnh đạo cao nhất bắt đầu chấp nhận (Và mong muốn) tiến hành xây dựng chiến lược cho công yt của mình. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, bên cạnh một số (rất ít) quản lý cấp cao nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược nên nhiệt tình ủng hộ, nhiều "ông lớn: khác trong công ty tỏ ra "e dè" với hai từ chiến lược. Họ luôn viện cớ bận rộn (với chuyện họp hành, tiếp khách, giải quyết công việc sự vụ hàng ngày) để né tránh tham gia các cuộc họp chiến lược. Họ không "mặn mà" với việc cung cấp thông tin để phân tích (có người còn xem đó như "bí mật" riêng của mình), nói chi đến chuyện cùng tham gia để phân tích thông tin. Họ xem chiến lược như thứ gì đó xa vời, xa xỉ, không liên quan gì đến "cơm áo, gạo tiền" nên không cần phải quan tâm... Và phần lớn (vâng, đa số) ngại tham gia vào một công việc mà họ ít am hiểu vì không muốn thừa nhận là mình chưa biết, hoặc không muốn "lộ" ra là lâu nay mình làm việc "quay cuồng" nhưng chỉ mang tính "chụp giật", "ngắn ngày", mà không hề có chiến lược, tức không hề tính đến chuyện đường dài.

Tôi thường phải đả thông tư tưởng các "ông lớn: này bằng những câu chuyện đời thường trong không gian một quán nhậu hay những buổi cà phê thân mật. Tôi đặt những câu hỏi đại loại như, mỗi người chúng ta hàng ngày luôn phải làm những việc cần làm như đánh răng, tập thể dục buổi sáng, đưa con đi học, đi làm, rồi tối về ăn cơm, xem phim hay bóng đá, có khi đi nhậu với bạn bè... không? Câu trả lời đa số là" Có!". Vậy chúng ta có vì những công việc bận rộn hàng ngày mà không buồn nghĩ tới những chuyện xa hơn là con cái lớn lên sẽ vào trường nào, học ngành gì, cho đi du học hay cho học trong nước, nên mua nhà ở đâu cho tiện đi làm, tương lai nghề nghiệp của mình nên theo hướng nào... hay không? Đa số trả lời: "Có chứ, phải nghĩ tới chứ!". Vậy thì chuyện ở công ty, bên cạnh những sự vụ hàng ngày, có cần nghĩ đến những mục tiêu xa hơn, con đường dài hơn để hướng tới sự phát triển bền vững không? Lúc đầu, hầu như không ai còn có thể trả lời là "Không!"

Chiến lược không là thứ gì đó xa vời hay xa xỉ. Chiến lược là thứ rất "đời thường"! Chỉ cần bạn hướng tầm nhìn và tư duy của bạn vào những việc xa hơn một chút, và đặt mình vào những mục tiêu xa hơn một chút. Thay vì một vài tháng hay một năm, bạn hãy hướng mắt về những mục tiêu 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn; và tìm kiếm con đường dài hơn để tiến tới những mục tiêu đó. Đó chính là chiến lược!

Đường nhiên, trước khi định đi đâu, về đâu, bạn phải biết mình đang đứng ở đâu, và chung quanh bạn đang diễn ra những gì. Đây cũng là phần khó nhất của hoạch định chiến lược, được gọi là phân tích chiến lược. Đó cũng là phần mà các 'ông lớn" trong công ty "sợ" nhất.

Quản lý cấp cao mà "sợ" chiến lược thì bảo sao những người khổng lồ không có nguy cơ gục ngã!

Nguồn Phát triển doanh nghiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét