Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Lạc rang muối

Món lạc rang muối là món ngày ngày nhỏ thường dùng để ăn cùng với cơm. Lạc rang gần chín sẽ đổ nước muối vào cùng với lạc, mặn nhạt tùy vào mỗi nhà cho đến khi nước muối bám hết vào viên lạc. Đảo đi đảo lại cho đến khi hạt lạc ròn tan là được. Lạc để nguội, cho vào hũ thủy tinh đậy kín để ăn với cơm dần. Đi học về, bụng đói meo, lục nồi cơm nguội ăn với lạc rang muối. Lúc ấy sao thấy ngon một cách lạ lùng. Có thể do đói, chẳng như bây giờ, lạc chỉ còn là một món ăn chơi. Người ta thường dùng để uống bia hoặc ăn vặt chứ không phải là món để ăn cơm như ngày xưa.

Hôm nay Red tìm được công thức làm món lạc để ăn chơi khá hay, chưa biết bao giờ mới thực hành món này nhưng vẫn muốn ghi lại để có dịp làm thử.

Lạc 0,5 kg. Chọn loại lạc đỏ, hạt vừa phải và hạt đều. 
Đường, muối, nước lọc, mì, 1 lòng trắng trứng.
Cách làm
1 thìa đường, 1/2 thìa cafe muối và lòng trắng trứng trộn đều vào lạc. Để sang một bên cho tan muối
Hòa 1 muống canh to đường vào 1 bát con nước lọc đun sôi để nguội làm si rô
Đổ 200gr bột mì ra đĩa to cùng với 1 muỗng đường. Đổi hỗn hợp lạc vào bột mì cho bao bọc đều quanh lạc. Rây bột qua vớ (cái rây bột thưa) cho rơi rớt bớt bột thừa.
Để nguyên hạt trên vớ rồi nhúng qua si rô đường cho ướt hết lạc, bỏ vào chiên chảo dầu nóng cho chín đều và vàng là được.

Tản mạn mùa sấu

Red đếm thời gian qua mùa sấu. Vậy là Red đã đi qua 2 mùa sấu. Thỉnh thoảng cuối ngày thèm món sấu ngâm nước mắm, thèm một bữa cơm gia đình. Mai là ngày gia đình, nhớ như in năm ngoái viết một bài về gia đình như thế nào? Ôi thời gian thật nhanh.

Cuộc sống ở SG trôi cũng nhanh, người ta bị cuốn theo dòng xoáy của thời gian. Thời gian dừng lại rất ít ỏi, chẳng thể chầm chậm giống như HN. Đôi khi giật mình tự nhắc mở mình phải chăng quỹ thời gian mình tiêu chưa hợp lý? Thời gian vốn đắt đỏ và cũng là phung phí nhất.

Dạo này bỗng thích học vẽ, thích vẽ tranh bằng bút chì và chỉ bút chì mà thôi.
Thời gian tới sẽ dành thời gian cho sở thích này, thích tự mày mò học và thích vẽ theo cảm nhận cuộc sống

Sài Gòn đã vào mùa mưa, nhưng năm nay tháng 6 mưa chưa nhiều. Thỉnh thoảng chiều về thấp thoáng những cơn mưa. Giông giống với mưa xuân, nhưng làm ẩm áo người qua lại rất nhanh. Có chiều đi làm về chẳng muốn mặc áo mưa, cứ để mưa rơi xuống vào người. Những hạt mưa thấm vào da thịt để nghe cái lạnh se sắt lan nhanh, trống huếch hoác, rồi tự cười mình, tự huyễn mặc mình bằng nhiều thứ... 

Những buổi chiều mưa lạnh, thích uống một chén rượu ấm nồng để vừa đủ có cảm giác say chếnh choáng vừa đủ để cảm nhận cuộc sống xung quanh với một màu sắc khác.

Và những đêm mưa lạnh, nghe tiếng nhạc không lời phát ra từ chiếc điện thoại hay chỉ đơn giản là nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn. Để nghe được vũ điệu của mưa, những đêm như thế nhớ về tiếng mưa xuân rơi xuống tàu lá chuối ở nhà. Mưa xuân nhẹ lắm, chỉ có những hôm nào nặng hạt hơn mới có thể nghe được tiếng mưa xuân. Còn không thì sẽ là những hạt mưa đọng trên lá, nối liền với nhau để tạo thành hạt mưa, rơi xuống phiến lá bên dưới. Và cứ thế rơi rơi tạo thành tiếng mưa không giống những tiếng mưa thông thường.

Ôi chao là nhớ

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Ngày của cha

Ngày của cha là một ngày lễ được dùng để tôn vinh những người làm cha, tôn vinh cương vị làm cha, mối quan hệ với người cha và ảnh hưởng của người cha trong xã hội. Ngày này được ăn mừng vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6 tại nhiều quốc gia và có thể rơi vào những ngày khác ở một số nơi. Ngày này bổ sung cho Ngày của mẹ- hay còn gọi là ngày hiền mẫu (tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5)

Ngày của cha được ăn mừng phổ biến từ những năm đầu thế kỷ 20 để bổ sung cho Ngày của mẹ trong những ngày lễ tôn vinh những bậc làm cha mẹ. Ngày của Cha được cử hành vào nhiều ngày khác nhau trên toàn thế giới và thường liên quan đến việc tặng quà, bữa ăn tối đặc biệt cho cha, mẹ và các hoạt động mang tính gia đình.


Ngày này mình biết tới loáng tháng vài năm trở lại đây. Và tới tận năm nay mình mới tìm thông tin về ngày này.

Mình hầu như không có kỷ niệm đẹp nào về cha

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Người Quảng đi ăn mì Quảng

Đó là tiêu đề quyển tạp văn của Nguyễn Nhật Ánh, thường mình biết đến nhà văn này với các câu chuyện dành cho tuổi mới lớn. Ít khi đọc tạp văn.

Mình từng đến ĐN, nhưng chưa bao giờ biết được đặc tính của người Đà Nẵng. Qua cuốn sách này thì biết được người ĐH ai cũng biết nấu mì Quảng, mì Quảng có thể chế biến nhiều loại nhân khác nhau như gà, lòng gà, cá, heo... mỗi gia đình có một cách chế biến riêng. Và đối với người Quảng thì đó là đặc trưng của món mì Quảng, một thông tin thú vị nữa là người Quảng hay cãi. Nhất là trong việc ăn mì Quảng, đọc vừa buồn cười vừa thấy thú vị.

Cuốn tạp văn không nhiều, đọc sao mình có cảm giác sốt ruột. Chắc dạo này ít đọc văn về cuộc sống, hoặc lúc nào cũng có thiểu thời gian. Mình ghét cảm giác này, vì thực tế cảm giác ấy càng khiến mình vội vã hơn nữa. 

Mấy bữa nay SG đã vào mùa mưa, thỉnh thoảng đêm ngủ nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôn. Cứ ngỡ như đang ngủ ở nhà, lại một mùa mưa mới. Chẳng biết ở nhà thế nào?

Nhiều khi vẫn biết lo lắng chỉ làm tốn thời gian mà thôi, nhưng lại chưa thể loại bỏ được cảm giác này. Mặc dù cũng chẳng có gì khiến phải lo lắng như thế...

Nghĩ ít thôi, làm nhiều lên để không tốn thời gian.

Mình mua thêm 3 cuốn sách, tự hứa sẽ không mua thêm bất kỳ cuốn sách nào cho đến hết năm. Không biết có làm được không?

Xa đám đông điên loạn


Lâu lắm rồi mình mới đọc truyện tình, thời gian dành phần lớn thời gian đọc sách về công việc. Truyện được xuất bản năm 1996, và mới được xuất bản lại. Mình đọc trên phiên bản tái xuất bản.

Truyện xoay quanh mới quan hệ giữa Bathsheba Everdene- một cô gái trẻ đầy cá tính và ba người đàn ông trong cuộc đời cô.

Bathsheba Everdene là cô gái thẻ đẹp, thông minh, chăm chỉ, ý chí mạnh mẽ, có khả năng chịu đựng những thất bại trong tình cảm, và không sợ đối đầu. Cô được giáo dục tốt và tự tin vào khả năng của mình để đối phó với nam giới trong các vấn đề gai góc của cuộc sống.

Và ba người đàn ông lần lượt xuất hiện trong cuộc đời cô. Gabriel Oak là một nông dân chăn cừu, là một tay yêu hùng. Gabriel Oak cũng là một người đàn ông trầm mặc với tính trình trung thực

William Boldwood là chủ một trang trại ở vùng Weatherbury, một trung niên luôn khiến phụ nữ đắm say khi tiếp xúc nhưng cũng khiến họ thất vọng vì sự lạnh lùng của mình.

Trung sĩ cảnh vệ Troy là một chàng trẻ, đẹp, có tài lẻ và lãng mạn.

Đối với Boldwood, Bathsheba thấy khó xử nhất khi tình cảm của ông dành cho nàng. Chuyện tình bắt đầu từ sự hiếu thắng của nàng khi mọi người đàn ông đều ngưỡng mộ nàng, trừ ông. Và chính sự hiếu thắng đó đưa nàng vào một mối tình nồng nàn của ông dành cho nàng.

Và Oak, một tình cảm chân thành nhất dành cho nàng để đến tận cuối câu chuyện. 

Mình thích đoạn cuối truyện nhất, từ ngữ đơn giản, chân thành, cứ chầm chậm cuốn vào theo từng cuộc đối thoại giữa hai người một cách tự nhiên.

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Một chiều mưa tháng 6

Sài Gòn tháng 6 đã bắt đầu vào mùa mưa, có lẽ đã vào giữa mùa khi những cơn mưa bất chợt vào cuối ngày. Thường thì mưa sẽ bắt đầu một mùa luân chuyển trong vòng 1 giờ. Khi nào mưa vào ban đêm sẽ là cuối mùa mưa.

Sáng nắng, chiều mưa. Chiều tôi có hẹn công việc, sau khi kết thúc công việc. Tôi được tặng một cuốn sách, chắc biết tôi thích đọc sách. Một cuốn sách với tôi rất có ý nghĩa vào lúc này. 

Và sự chia sẻ vào một buổi chiều mưa khiến tôi thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn.

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

10 bài học về tiền phụ huynh nên dạy con

Việc tiết kiệm tiền, quản lý chi tiêu... là bài học quan trọng giúp trẻ tự tin kiểm soát tài chính của mình ngay từ khi còn nhỏ.

Không bao giờ là quá sớm để dạy cho bé về đồng tiền.  Trẻ mẫu giáo (đủ lớn để biết không cho đồng xu vào mồm) có thể chưa hiểu những khái niệm toán học cần thiết để... tính tiền, nhưng bố mẹ đã có thể dạy cho bé những kỹ năng đơn giản nhưng không kém phần quan trọng liên quan đến tiền bạc. Các bậc phụ huynh có thể dạy trẻ cách quản lý chi tiêu hay để trẻ biết được nguy cơ khi vay nợ... để từ đó hình thành nên những bài học cũng như ý thức của trẻ trong việc sử dụng công cụ tiền.



Cho con cơ hội cách quản lý tiền.
Nếu trẻ không được học cách quản lý chi tiêu tiền của mình trước khi trở thành người lớn, các con sẽ mặc định rằng chúng sẽ được cung cấp tiền và sẽ không có trách nhiệm với các khoản chi tiêu và tương lai của mình. Nếu được trao cơ hội, trẻ sẽ học được các bài học chi tiêu hợp lý.

Ví dụ hàng tháng các mẹ để ra một khoản để mua đồ chơi, sách vở cho các con, hãy trích ra một chút trong khoản đó và đưa cho bé quản lý. Có thể vài tháng đầu trẻ có xu hướng mua những đồ không cần thiết nhưng đến khi trẻ muốn mua đồ mình cần nhưng không còn tiền nữa và buộc phải học cách tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu. Dần dần trẻ sẽ quen với cách ra quyết định và quản lý chi tiêu qua những sai lầm của mình. Hãy để con trẻ mắc sai lầm từ khi còn nhỏ còn hơn những sai lầm lớn khi đã trưởng thành.

Dạy con tiết kiệm tiền cho những kế hoạch lớn hơn
Một khi trẻ nhận ra rằng tiền có thể dùng để mua những thứ lớn hơn là mua những thứ nhỏ trước mắt, đó là lúc các bố mẹ có thể dạy con cách tiết kiệm cho những kế hoạch lớn hơn

Ví dụ con muốn mua bộ đồ chơi xếp hình, vậy hai mẹ con cùng ngồi lại xem nó giá bao tiền và kế hoạch cần tiết kiệm thế nào. Ví như nếu con muốn mua món đồ đó, nghĩa là con sẽ không được mua các món đồ chơi nhỏ khác trong thời gian tiết kiệm... Hãy giải thích cho các bé hoặc vẽ ra một biểu đồ đơn giản để con nhìn thấy quá trình đạt đến mục tiêu của mình và trẻ sẽ cảm thấy thích thú mỗi khi nhìn thấy khoản tiết kiệm tăng lên.

Dạy con cắt giảm chi tiêu để thực hiện kế hoạch chi tiêu lớn nhanh hơn
Bài học này đi liền với bài học thứ 2, và nếu bố mẹ dạy kế hoạch tiết kiệm tiền, trẻ sẽ tự học rất nhanh rằng mình cần cắt giảm một số thứ nhỏ để mua những thứ khác lớn hơn. Tuy nhiên, bố mẹ nên trao đổi cụ thể với con về kế hoạch, về tiết kiệm và chi tiêu mỗi khi con quyết định mua thứ gì đó.

Dạy trẻ tiền có thể sinh ra tiền như thế nào?
Đây là bài học về đầu tư không chỉ riêng cho trẻ mà cả người lớn. Ví dụ như bỏ một khoản tiền vào ngân hàng, sau một vài tháng có thể có bao nhiêu % tiền lãi. Ngoài ra cũng có thể tìm ra một vài khoản đầu tư ngắn và dài hạn để dạy trẻ về khả năng sinh lời của đồng tiền và thói quen đầu tư tiền trong tương lai

Dạy trẻ học cách hoạch định chi tiêu
Không cần phải bắt đầu từ những gì to tát mà đơn giản chỉ là kế hoạch chi tiêu, thay vì mua sắm bừa bãi những thứ mình thích nhất thời.
Ví dụ tuần này con có một khoản tiền, để dành một phần để mua những thứ lớn hơn, một phần để mua quà sinh nhật cho bạn, một phần còn lại để dành tiền mua một món đồ chơi nào đó... Bài học là dạy trẻ chia nhỏ thành những khoản chi tiêu hợp lý. Bố mẹ nên nói chuyện giải thích cùng con một cách nhẹ nhàng, để chúng cảm thấy chi tiêu là khái niệm khó khăn, mà trái lại, rất đơn giản và vui.

Dạy trẻ học cách trả hóa đơn
Các mẹ có cho con dùng điện thoại di động chưa? Ai trả tiền hóa đơn hàng tháng? Hãy cho trẻ một khoản tiền để dùng di động hàng tháng và để chúng tự trả tiền. Nếu trả muộn thì sẽ bị cắt dịch vụ. Trẻ sẽ học bài học về trả tiền đúng hạn và gọi hợp lý trong khoản tiền mình có.
Một số loại hóa đơn khác có thể đưa cho con như truyền hình cáp, Internet. Nếu các bố mẹ đưa cho con trả hóa đơn thì cũng nên kiểm trả đảm bảo chắc chắn rằng con sẽ trả những khoản đó.

Dạy trẻ về những nguy hại của vay nợ
Có thể lúc 6 tuổi, trẻ chưa thể hiểu được bài học này nhưng khi con vào tuổi teen, bố mẹ có thể trao đổi với con về các khoản vay nợ, về thẻ tín dụng và các khoản nợ và tác hại nếu không trả được nợ

Dạy trẻ học cách kiếm tiền.
Để mua các món đồ chúng muốn. Có hai cách để mua được những thứ mình muốn, một là cắt giảm chi tiêu và hai là kiếm thêm tiền. Tuy nhiên, không nên trả tiền cho con khi chúng làm việc nhà vì chúng phải hiểu rằng làm việc nhà là đóng góp trách nhiệm của mình cho gia đình. Trẻ con có thể kiếm thêm tiền bằng cách phụ giúp hàng xóm trông trẻ, làm vườn hay các công việc bán thời gian đơn giản như bán hàng khi đã trưởng thành.

Dạy trẻ về sự thật của quảng cáo
Trẻ hàng ngày nhận được hàng trăm những quảng cáo mua hàng khác nhau và chúng không thể nhận biết được những tác hại của việc chào mời mua hàng đến thới quen chi tiêu hàng ngày. Đây chính là nguồn gốc của các vấn đề tài chính tương lai.
Bố mẹ nên dạy trẻ mục đích của quảng cáo là mời chào mọi người mua hàng, tiêu tiền. Tác hại của chúng đối với thói quen mua sắm, chi tiêu của mỗi cá nhân khi vượt quá khả năng tài chính hoặc trong nhà đầy những món đồ không cần đến.

Dạy trẻ phân biệt giữa muốn và cần
Ảnh hưởng lớn nhất của các quảng cáo chính là làm cho các cá nhân mua những thứ mình muốn nhất thời. Bố mẹ nên dạy trẻ suy nghĩ kỹ trước khi quyết định mua, xem mình có thật sự cần trong cuộc sống không?
{Sưu tầm}

P/s: Đọc bài viết này, thấy ngay bản thân người lớn cũng phải xem lại cách chi tiêu của mình hihi

10 điều người lớn học được từ trẻ con

Trẻ con không bao giờ kéo phiền muộn của ngày hôm trước sang hôm sau, mà thay vào đó luôn là khởi đầu mới


1. Mỗi ngày đều là một khởi đầu mới
Khi còn bé, mỗi ngày mới đều mang lại những cơ hội mới với bạn bè mới, khám phá những cuộc phiêu lưu mới, học nhiều điều mới. Các bé không kéo những phiền muộn của ngày hôm trước sang ngày hôm sau, mà thay vào đó luôn là một khởi đầu mới.

2. Hoạt động sáng tạo rất tốt và vui
Bạn thường thấy các bé đắm mình vào những trò chơi sáng tạo hàng giờ đồng hồ. Vẽ tranh, chơi đất nặn, xây lâu đài cát... Các bé dành toàn bộ sự chú ý vào đó và tỉ mẩn tới từng chi tiết. Khi chúng ta lớn hơn, chúng ta không còn muốn dành quá nhiều thời gian cho những hoạt động sáng tạo nữa. Nói cách khác, ngoài các nghệ sĩ, hiếm ai có thể tìm kiếm niềm vui từ trò đất nặn, vẽ tranh...

3. Dũng cảm
Một đứa trẻ có thể hát to hay nhảy nhót khi nào nó thích. Cuộc sống của trẻ con là không giới hạn bởi những nỗi sợ thất bại hay chế giễu. Chúng tự tin tiến vào cuộc sống với hy vọng và lòng quyết tâm. Chưa bao giờ thất bại, chưa bao giờ bị hạ gục, trẻ con luôn dang tay đón nhận mọi điều từ cuộc sống.

4. Cười tươi mỗi ngày
"Mỗi ngày không tiếng cười là một ngày uổng phí"- Charlie Chaplin. Trẻ con có khả năng kỳ diệu, đó là tìm thấy niềm vui từ mọi nơi quanh chúng. Mỗi đứa trẻ nhận thấy những điều hài hước ngay cả khi đứng trong một khu thương mại hay trong công viên

5. Năng động
Lúc còn bé, thời gian đi chơi luôn là khoảng thời gian vui và tươi sáng nhất trong ngày. Bạn có thể chạy đuổi nhau với bạn bè cho tới khi mệt lử, nhảy tưng tưng mà không bao giờ đánh giá đó là thể dục hay tập tành vì dáng vóc. Đơn giản đó là trò chơi khiến bạn vui vẻ.

6. Nuôi dưỡng tình bạn
Trẻ con cảm nhận niềm vui thật sự khi chơi cùng bạn bè và thích kết bạn mới. Chúng tham gia đội bóng, đi dự tiệc sinh nhật, học trường mới. Có biết bao ách để trẻ kết bạn mới. Trẻ con tâm niệm một điều "càng đông càng vui" và người lớn cũng nên như vậy.

7. Làm anh hùng
"Trên tất cả, hãy là một anh hùng trong cuộc sống của bạn, đừng trở thành nạn nhân"- Nora Ephron.
Khi trẻ kể cho bạn nghe về trường hay về đội bóng, chúng luôn đóng vai người hùng. Mọi chuyện đều xoay quanh chúng. Khi trưởng thành, chúng ta không còn muốn tỏ ra tự phụ hay ta là trên hết, và chúng ta tự hạ thấp những thành quả của mình. Chúng ta không muốn là người hay khoe khoang nên tự hạ mình xuống để có cảm giác hòa đồng. Khiêm tốn trở thành một tố chất được đánh giá cao và chúng ta bắt đầu tự thuyết phục bản thân rằng chúng ta không có gì đặc biệt.

8. Sẹo là biểu tượng vinh quang
Khi một đứa trẻ gẫy xương, mọi người đều chú ý tới nó. Đột nhiên chúng trở thành siêu sao của lớp. Nếu chúng ngã và bị xây xát, mọi người đều muốn xem sẹo của chúng. Khi lớn lên, chúng ta che giấu sẹo và mỗi vết thương là bí mật. Chúng ta không muốn bị đánh giá là yếu hay đáng thương nên che giấu mọi tổn thương. Nhưng với trẻ con, sẹo không chứng tỏ sự yếu đuối, nó là biểu tượng của sức mạnh và sự chiến thắng, một thành quả, một câu chuyện vinh quang.

9. Khám phá nhiều điều mới mẻ
Trẻ con không ngại chơi một môn thể thao chúng chưa từng thử. Chúng sẵn sàng nhảy trên bạt, lặn dưới bể hay thậm chí là trượt tuyết trên núi cho dù đó là một môn rất lạ với chúng. Khi đã lớn, chúng ta sợ những điều chưa biết. Chúng ta chấp nhận gắn liền với nơi quen thuộc an toàn và không mạo hiểm ra ngoài.

10. Trân trọng những điều nhỏ
"Hãy khám phá những điều nhỏ trong cuộc sống bởi biết đâu một ngày nhìn lại bạn sẽ nhận ra rằng chúng là những thứ thật to lớn"- Robert Brault
Các bé có thể ngồi ngắm những chú chim chạy tới lui trên đôi chân bé xíu. Những điều chúng ta coi là đương nhiên có thể đem lại cho các bé niềm vui và cảm hứng đến thế. Cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi chúng ta có thể nhận ra những phép màu đơn giản quanh ta.
{Haley}

P/s: Những điều trên không mới, mình có giai đoạn muốn tập cho mình một thói quen tích cực nào đó, thường ghi nó ra giấy và dính ở nơi dễ nhìn thấy nhất để hàng ngày tự nhắc nhở mình. Thay đổi thói quen nhiều thứ sẽ thay đổi :-)

Sen cuối hạ


Mỗi lần nhìn thấy sen, mình lại nhớ đến câu thơ của Thâm Tâm
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Chẳng hiểu sao câu thơ đó cứ vướng vít trong đầu mình đến tận nay giờ. Chiều qua đi làm về, qua đường ĐBP đã qua hàng bán sen. Thỉnh thoảng mới thấy có một hàng bán hoa sen vào chiều muộn. Tháng 6, trời chiều Sài Gòn thường có mưa, trời lúc nào cũng trực mưa xuống. Đã đi qua hàng bán sen, xong quyết định đi ngược đường vòng lại để cắm.

Mình thích cắm hoa vào cuối tuần, thích thong thả nhìn ngắm những bông hoa xinh xắn. Dự định chỉ mua một bó, nhưng chị bán sen nào thêm mua bó nữa vì trời sắp mưa. Thấy thương cùng cảnh sales ghê gớm, mình gật đầu mua thêm một bó, chị tự bớt chút tiền cho mình. Nhỏ thôi, nhưng vui cho cả hai người. Chợt nhận ra từ hồi làm sales tới giờ, mình chưa biết năn nỉ khách hàng mua dịch vụ, chợt nhận ra thấy thương một người...

Lúc dừng xe, chờ chị đi đổi tiền cho mình. Nhìn về phía chân trời xa xa cứ như chìm vào một thế giới khác, dòng người tấp nập đi qua như không nhìn thấy gì, chỉ là những chiếc bóng lướt qua trước mặt. Tự cười mình với những lúc như thế này.

Sáng ngủ dậy thấy bình hoa sen hôm qua cắm nở bung. Thật thích, người ta chỉ cần những thứ nho nhỏ vậy thôi. Đâu cần chi quá to tát nhỉ?

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Sài Gòn- Mai gọi nhau bằng cưng


Tháng 5 nhẩn nha đọc những cuốn sách về Sài Gòn và cuốn "Sài Gòn- Mai gọi nhau bằng cưng" là một trong những cuốn sách như thế.

Cuối sách được lựa ở nhà sách Cá Chép, một trong những nhà sách hiện đại nhất tại Sài Gòn hiện nay. Lúc mình lựa một cuốn về Sài Gòn, nơi mình đang sống thì thấy cả một serial những cuốn sách khác về Sài Gòn. Nhà sách thật biết cách sắp xếp sách ghê.

Sài Gòn qua cách nhìn của một cô giáo dạy văn chính là tác giả sống và viết về Sài Gòn. Viết về những điều bình dị hàng như từ tuổi mới lớn đến khi trưởng thành trở thành người mẹ, người vợ. Mọi thứ cứ trôi nhẹ nhàng theo thời gian nhưng cũng có thứ mất mãi mãi. Chỉ còn là những kỷ niệm đẹp như về xích lô Sài Gòn, những tà áo dài nữ sinh hay những tà áo dài đời thường của những người phụ nữ Sài Gòn ngày trước. Những tà áo dài như cánh bướm dập dìu khắp đường xá Sài Gòn. Đọc để thấy thêm thương một Sài Gòn trải qua nhiều thăng trầm mà vẫn đẹp, để nhiều người hoài niệm về thời gian cũ. Mặc dù thành phố mới chỉ hơn 300 năm so với nơi mình sinh ra.

Giọng văn nhẹ nhàng, cuộc sống ở Sài Gòn và tâm tư của một người phụ nữ cứ trăn trở, hoài niệm về những gì đã qua. Như níu kéo về cách sống ngày trước của những người phụ nữ như bà, như mẹ.

Giờ cuộc sống hiện đại, phụ nữ năng động hơn nhưng cũng đối diện với nhiều thứ phức tạp hơn. Những khoảng thời gian dành cho gia đình dường như bị thu hẹp lại vì nhiều thứ lo toan khác ngoài gia đình nhỏ bé của mình. Mình chia sẻ điều này với một cô bạn Sài Gòn. Cô ấy bảo, do Sài Gòn là văn hóa mở, luôn đón nhận cái mới cả tốt lẫn xấu. Nên làm phụ nữ bây giờ, nhất là những người phụ nữ ở Sài Gòn sẽ có cơ hội nhiều hơn. Nhưng phải biết chắt lọc giữa những cái tốt và cái xấu nên không thể giống như những ngày xưa.