Gần đây mình có hứng thú ghi lại nội dung lượm lặt được tại các buổi offline ngành CNTT, ngày trước cũng có ý định đó rồi. Nhưng thực sự chưa bao giờ ghi lại được hết những gì muốn ghi, và đây là một buổi offline bắt đầu cho một chuỗi những sự kiện mình tham gia hay lượm lặt được về ngành.
Trong tháng 6 vừa rồi mình có tham dự một buổi offline được tổ chức giữa một đơn vị đào tạo về Business Analyst, tư vấn, triển khai ERP, cung cấp hạ tầng IaaS và cộng đồng IT, Mình ghi nhận được những thông tin về hiện trạng thực tế về việc cung cấp Cloud ERP nói riêng và hướng IaaS, SaaS nói chung
Một, thực tế chưa có nhiều chuyên gia tư vấn triển khai ERP tư vấn cho khách hàng triển khai ERP trên điện toán đám mây ( Cloud Server). Nếu có, các chuyên gia tư vấn thường tư vấn cho các doanh nghiệp lớn triển khai trên đám mây riêng (Private Cloud) để ứng dụng đầy đủ các tính năng Cloud, chẳng hạn như khả năng mở rộng hệ thống nhanh so với việc sử dụng hạ hầng truyền thông (Dedicated Server). Đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc lựa chọn sử dụng Cloud ERP sẽ là phù hợp hơn khi xét đến khía cạnh chi phí: Doanh nghiệp chuyển đổi chi phí đầu tư (CAPEX- Captial Exprense) sang chi phí hoạt động (OPEX- Operation Expense).
Hai, các đơn vị cung cấp hạ tầng IaaS trong nước (dịch vụ máy chủ đám mây Cloud Server) thực sự chưa cảm nhận được sự dịch chuyển của thị trường, nhưng chắc chắn công nghệ thay đổi sẽ lôi kéo mọi thứ thay đổi theo.
Ba, doanh nghiệp muốn triển khai ERP chưa sẵn sàng trong triển khai, tiếp nhận hệ thống và đưa vào vận hành. (Trộm vía, mình là đứa rất hào hứng, mong mỏi ứng dụng IT vào công việc hàng ngày mà khi dùng Cloud CRM còn chưa thay đổi được thói quen cơ mà hì hì)
Vậy làm thế nào để triển khai thành công một dự án Cloud ERP?
Đối với doanh nghiệp chưa triển khai ERP: một cách cơ bản nhất, ERP đặt ra các vấn đề như mức độ chuẩn hóa và khả năng tự động hóa hệ thống quản lý, trong đó thói quen tuân thủ là quan trọng, hơn thế nữa, khả năng thiết lập các định mức và đánh giá được công việc cũng là những câu hỏi then chốt.
Trước khi tính tới ERP, việc xây dựng quy trình làm việc, luồng công việc (workflow) là cực kỳ quan trọng, có thể nhắc đến 2 bước:
(1) Xây dựng mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các phòng ban rõ ràng
(2) Xây dựng quy trình nghiệp vụ (Business Process), luồng công việc
Đối với doanh nghiệp đã sử dụng một phần mềm nào đó như CRM, kế toán muốn triển khai ERP thì sao? mục đích của việc ứng dụng ERP là tự động hóa hệ thống quản lý, cho phép quản lý tập trung. Nếu đã sử dụng các ứng dụng CRM, kế toán độc lập thì cần xem xét xem các phần mềm này có tích hợp vào ERP được không? Thực tế thì rất nên thu xếp để những phần mềm đã sử dụng trước đó có thể tích hợp vào hệ thống ERP mới có kiến trúc, quy trình nghiệp vụ thống nhất, dữ liệu đồng bộ.
Tóm lại: Để triển khai dự án ERP nói riêng hay dự án Cloud ERP nói chung, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình nghiệp vụ, lựa chọn giải pháp ERP phù hợp sau đó mới quyết định là sử dụng ERP truyền thống hay Cloud ERP
Khi triển khai ERP trên Cloud, người làm Quản trị dự án sẽ phải lựa chọn, quản lý nhà cung cấp hạ tầng Cloud cho dự án và làm việc với các nhà cung cấp hạ tầng theo một cách mới. Bởi lẽ, các nhà cung cấp hạ tầng Cloud sẽ đồng hành với dự án trong một quá trình gắn bó hơn. Đối với nhà cung cấp truyền thống, nếu hư hỏng thiết bị phần cứng thì sẽ được bảo hành thiết bị. Khi triển khai ERP trên Cloud sẽ khong có chế độ bảo hành như vậy nữa, nhưng lại đòi hỏi cao hơn về chất lượng, mức độ ổn định và độ tương thích của hạ tầng IaaS, hơn nữa kinh nghiệm của nhà cung cấp hạ tầng Cloud cũng là một yếu tố rất đáng quan tâm. Quan hệ giữa quản trị dự án và nhà cung cấp hạ tầng Cloud khác đi do vai trò của nhà cung cấp đã khác, hiển nhiên SLA cũng khác.
Việc triển khai Cloud ERP cũng khiến nhân sự phòng IT có dự dịch chuyển và thay đổi. Thường cơ cấu tổ chức phòng IT sẽ có Network, Application, Hepldesk. Với Cloud nhân sự Hepldesk có thể không thay đổi, còn các nhân sự đang ở vị trí Network thay vì quản trị cơ sở hạ tầng thì sẽ có thể chuyển sang quản trị dịch vụ. Nhân sự để quản lý và hỗ trợ ứng dụng có thể sẽ tăng lên.
Điều này nên xảy ra, vì anh em IT cần đến gần với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hơn nữa. Để làm được điều đó, anh em IT phải học nhiều hơn về ứng dụng, quy trình nghiệp vụ, định hướng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và ứng dụng CNTT đạt được mục tiêu kinh doanh. Một IT manager phải tham gia trực tiếp vào sản xuất, doanh thu của công ty thay vì quản trị hệ thống như trước đây
Red, 10/6/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét