Tôi đi không có dự định trước. Một chuyến đi vào tháng 4 năm nào như một thói quen vốn có vào tháng này. Mặc dù tôi vẫn giữ những bức ảnh của chuyến đi đó.
Chuyến đi ấy tôi chỉ biết một người duy nhất để rồi leo lên chuyến xe 16 chỗ lên Cao Bằng, thác Bản Giốc ngay sát với Trung Quốc. Nơi bên này là Việt Nam, bên kia là Trung Quốc, biên giới giữa hai nước là con thác đó. Mùa nước về nhìn con thác thật hùng vĩ, tuyệt đẹp với những con nước trắng xóa hất tung vào vách núi.
Tôi đi với những người bạn mới hoàn toàn và chiếc xe lăn bánh vào buổi chiều muộn, đi xuyên đêm đến sáng thì tới Cao Bằng. Sau giờ làm tôi thu xếp một ba lô nhỏ gọn và lên đường. Khi tới nơi, các bạn vẫn chưa thuê được xe vì đúng dịp lễ, lúc ấy không hiểu sao tôi chỉ mong không thuê được xe, thế là không có chuyến đi đó nữa.
Nhưng cuối cùng xe cũng được thuê và tôi lên đường trong tâm trạng không hứng khởi, đi như chỉ để đi. Bác tài hoàn toàn chưa bao giờ lái lên tới Cao Bằng, lại là đi đêm. Đường đèo hoàn toàn không đơn giản, càng đi càng uốn khúc trong ánh trăng mờ nhạt và sương phủ đầy. Thời điểm đó thời tiết vẫn còn lạnh, mỗi lần mở cửa xe là gió lùa hun hút lạnh teo. Tháng 4 thường rất nóng, chẳng hiểu sao lại có thể lạnh như thế. Nhất là vùng sơn cước vào đêm, càng lạnh hơn. Bác tài vừa lái xe vừa nói liên tục để chống cơn buồn ngủ, ban đầu còn vài bạn tiếp chuyện, sau thì ai cũng mệt và ngủ nên bác tài nói chuyện một mình.
Tôi ấn tượng nhất đèo Mã Phục, theo tôi biết, thì đó là đoạn đèo uốn éo nhất và thường cưỡi ngựa đến đó thì ngựa không thể đi được nên mới có tên như vậy.
Sáng sớm hôm sau tôi tới Trùng Khánh- Cao Bằng, trước đó tôi cứ hình dung ra Trùng Khánh phải có rất nhiều cây dẻ, hạt dẻ Trùng Khánh vốn rất nổi tiếng. Nhưng thỉnh thoảng mới có một cây dẻ, hỏi một người bạn cùng chuyến đi thì biết, giờ người Trùng Khánh ít trồng dẻ, hạt dẻ phần lớn là Trung Quốc. Người dân Trung Khánh còn không đủ hạt dẻ để ăn thì sao có thể bán?
Trùng Khánh có món chân giò hầm hạt dẻ rất ngon, nhưng tôi chưa được thưởng thức món này tại Trùng Khánh. Tự nhủ về nhà sẽ làm món này mà đến tận bây giờ chưa làm lần nào. Thứ hạt dẻ bùi bùi thấm dẫm với vị béo ngậy của chân giò. Ăn ngon phải biết.
Tôi không nhớ đã ăn những gì ở đây, chỉ nhớ duy nhất một nơi. Một làng ở Trùng Khánh mà tôi và các bạn tới. Cái làng nhỏ bé chúng tôi đến chỉ toàn người già và trẻ con, những đứa trẻ con ngơ ngác bên bậu cửa và lem luốc. Hỏi ra được biết thanh niên trong làng đi xuất khẩu lao động theo diện xóa đói giảm nghèo hay đi làm ăn xa. Những ngôi nhà sàn phía dưới người ta nuôi gia súc, phía trên là người ở. Lối đi quanh làng hay giữa nhà này với nhà kia là con đường đất nhỏ. Thời điểm đó sau mùa xuân, chớm hè, nên những hạt mưa xuân chưa dứt, con đường đất nhỏ điểm xuyết dấu chân của lợn, gà và sản phẩm của chúng khắp nơi. Tạo nên một bầu không khí ngột ngạt, lối đi không biết đặt chân ở đâu?
Thác Bản Giốc không phải mùa nước nên nhỏ bé, không hùng vĩ như những bức ảnh tôi xem khi chụp vào mùa nước. Nên tôi không có chút ấn tượng nào về Thác, đứng bên này Thác thấy luôn cảnh sinh hoạt của người dân Trung Quốc bên kia thác.
Đó cũng là chuyến đi đầu tiên tôi đặt chân ra ngoài bên giới Việt Nam. Tôi đến một cột mốc giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi bước qua đất Trung Quốc. Có thể coi đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên của tôi không nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét