Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Online Meeting as a service


Khái niệm này khá mới đối với mình sau khi tham gia sự kiện tại Cloud8. Và cho tới hôm nay có khách hàng liên hệ với mình để hỏi thăm xem nếu giờ họ dùng CDN để truyền cầu online meeting tới 4 địa điểm thì có được không? Độ real time khi dùng CDN như thế nào? Nếu một công ty chưa đầu tư cơ sở hạ tầng để làm meeting online như thế này thì có thể thuê dùng theo từng giờ nếu không dùng thường xuyên sẽ hiệu quả hơn. Hoặc nếu một tháng dùng 4 lần họp khác nhau tại các chi nhánh thì việc thuê Meeting online as a service hiệu quả hơn nhiều. Trừ khi việc các công ty sử dụng hàng ngày. Tần suất sử dụng nhiều hơn so với bình thường.

Vậy làm thế nào để dùng được dịch vụ này? đơn giản cực kỳ chỉ việc khởi tạo dịch vụ, trả tiền cho thời gian mình dùng và bắt đầu dùng dịch vụ. Việc này có thể áp dụng đối với việc đào tạo nội bộ trong các công ty lớn có nhiều địa điểm khác nhau, đào tạo đại lý kh cần cập nhật thông tin mới cho các đại lý, họp hàng tuần tại các chi nhánh...

Đối với các công ty đã đầu tư, có thể kết hợp với CDN để tăng tốc streamling.

Tổng kết, tổng kết ^^


Bữa nay tổng kết danh sách khách hàng đang sử dụng dịch vụ cloud server, thì ra số lượng khách hàng dùng Cloud nhiều nhất vẫn là các công ty chạy các ứng dụng cho doanh nghiệp hoặc SaaS. Thực tế Cloud Server phục vụ những đối tượng này là phù hợp nhất. Khách hàng dùng để chạy website thương mại điện tử, website giải trí hay diễn đàn, mạng xã hội chưa nhiều. Số này chiếm số lượng nhỏ đối với doanh nghiệp dùng để chạy mail server và các ứng dụng văn phòng. Đối với ứng dụng mobile thì lại càng ít. Hôm trước có một bạn làm trong công ty phát triển ứng dụng theo hướng này cho biết thói quen người dùng chưa thay đổi nhiều nên hướng mobile app tại Việt Nam chưa phát triển.

Mình chưa biết sau này thị trường ngành CNTT sẽ phát triển tới đâu? các công ty làm theo hướng IaaS như bên mình sẽ đi tới đâu? Nếu chưa có nhiều ứng dụng, phần mềm trong nước thiết thực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp? Hoặc có, vấn đề niềm tin cũng không hề nhỏ để các ứng dụng, phần mềm theo hướng SaaS phát triển.

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Nộm rau muống

Từ ngày vào SG, mình khoái ăn rau nhiều hơn ăn thịt và thường sưu tầm các món để dành lâu lâu có dịp lấy ra nấu nướng.


SG ngày mưa, tìm được món nộm rau muống nên muốn ghi lại

Cách làm
- Rau muống một bó nhặt sạch lá, chẻ làm đôi (nên chọn rau thân trắng, nhỏ sẽ ngon hơn). Rửa kỹ cho sạch sau đó ngâm nước có pha chút muối khoảng 15 phút, vớt ra để ráo. Đun một nồi nước cùng nhúm muối nhỏ, khi nước sôi cho rau vào trụng sơ rồi vớt luôn ra một tô nước đá thật lạnh để rau xanh và giòn
- Thịt bò 100- 150gr, rửa sạch, ướp gia vị, tỏi băm cho ngấm rồi xào chín, để riêng. Có thể thay thịt bò bằng tôm đồng hấp, bóc vỏ
- Lạc 100gr rang vàng, xát vỏ, giã dập
- Gia vị gồm nước sốt chanh, mắm, đường, dầu ăn, tỏi bằm
Trộn rau với các gia vị cho ngấm đều, sau đó trộn lạc vào, trút ra đĩa, bày thịt bò lên trên.

Thế là xong nhé

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Dịch vụ máy chủ Cloud SSD cho mobile app


Hôm trước bạn báo tin ngưng sử dụng dịch vụ máy chủ do bên mình cung cấp. Mình hơi ngạc nhiên vì trước đó bạn bảo dịch vụ máy chủ 100% ổ cứng SSD theo tháng đó dùng để chạy một mobile app bên bạn. Dự án đã được duyệt đầu tư, nhưng sau 6 tháng sử dụng thì ngưng không sử dụng dịch vụ bên mình nữa. Việc một dự án được phê duyệt sau đó ngưng là chuyện cũng bình thường, rất nhiều dự án nửa đường thì phải dừng lại vì rất nhiều lý do. Điều mình quan tâm nhất là việc ngưng dịch vụ có phải do dịch vụ bên mình không đáp ứng được yêu cầu của dự án đó không?

Thực tế không phải như vậy, dịch vụ bên mình chạy rất mượt mà và nhanh, đáp ứng được yêu cầu dự án của bên bạn. Tới thời điểm này dự án có lượng thành viên truy cập khá tốt, lý do ngưng chạy dịch vụ bên mình vì hiện nay bên bạn còn dư rất nhiều máy chủ dedicated đặt tại DC. Do đó, dự án mobile app này đưa về chạy trên máy chủ đó.

Việc này khiến mình nhớ lại có rất nhiều khách hàng bên mình đắn đo cân nhắc sử dụng dịch vụ máy chủ Cloud hay dedicated. Việc đắn đo hoàn toàn là bình thường khi người ta quyết định thực hiện một dự án mới, mức độ thành công  của dự án phụ thuộc khá nhiều về mặt hạ tầng. Có nhiều dự án đầu tư mặt hạ tầng rất cao, khấu hao sau 3 năm. Trong quá trình chạy dự án, việc ngưng dự án giữa đường hoặc những dự án không thể làm tiếp, lượng hạ tầng còn dư rất nhiều. Người ta hoàn toàn có thể thuê dịch vụ về hạ tầng để đáp ứng được mặt ổn định, ngưng nghỉ bất cứ lúc nào trong quá trình thực hiện dự án cũng như khả năng mở rộng dự án rất nhanh nếu muốn.

So sánh giữa hai hình thức sử dụng như vậy, bữa rồi một bạn khách hàng bên mình tính toán thì thấy lựa chọn dùng việc thuê hạ tầng vẫn tốt hơn rất nhiều hơn là thuê. Vừa được hạ tầng chất lượng ổn định, không phải mất nhân lực lo về mặt hạ tầng quá nặng, về mặt chi phí đầu tư và chi phí thuê trong 3 năm gần như lại là tương đương. Nhưng rất ít khách hàng tại thời điểm này lựa chọn hình thức mua, vì lý do, sau 3 năm hạ tầng vẫn chạy tốt và người ta chỉ thay thế khi hạ tầng thực sự không thể chạy được nữa, hoặc hỏng hóc thiết bị. Cách này cũng được, nhưng khi hệ thống bị sự cố, chi phí phục hồi còn đắt hơn là chi phí thuê hạ tầng như ban đầu. 

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Học cách quản lý bản thân



Hôm nay mình đọc một bài về cách quản lý bản thân, có rất nhiều điều cần học hỏi qua bài viết này. Học quản lý bản thân để cuộc sống cá nhân có thể tốt hơn, mình muốn lưu lại

1. Quản lý cảm xúc
Các nghiên cứu khoa học cho thấy những người có các vấn đề cảm xúc dễ bị tai nạn ô tô hơn những người bình thường tới 44% hay cứ 5 nạn nhân của các vụ tai nạn chết người, có một người đã cãi nhau với người khác trong 6 giờ trước vụ tai nạn. Quản lý cảm xúc là điều rất quan trọng, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo bởi mọi hoạt động của họ đều có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người khác

Những nhà lãnh đạo giỏi biết khi nào nên thể hiện và khi nào nên trì hoãn cảm xúc. Đôi khi họ bày tỏ cảm xúc để tìm sự thông cảm và làm lay động người khá. Liệu đây có phải "mị dân" không? John C.Maxwell cho rằng không phải vậy, miễn sao điều đó tốt cho tổ chức và không phải vì lợi ích cả nhân của họ. Tuy nhiêm, kiềm chế cảm xúc khác với phủ nhận và chôn vùi nó. Điểm mấu chốt là bạn nên đặt người khác chứ không phải bản thân lên đầu để giải quyết và xử lý các cảm xúc.

2. Quản lý thời gian
Quản lý thời gian là vấn đề đặc biệt khó khăn đối với những người ở vị trí giữa một tổ chức. Những nhà lãnh đạo cao cấp có thể ủy quyền, những công nhận được trả tiền theo giờ và làm bất cứ điều gì có thể trong khoảng thời gian đó còn những người ở giữa thường chịu áp lực từ 2 nhóm trên và thường được kỳ vọng làm thêm giờ để hoàn thành công việc.

Thời gian là tiền bạc, một chuyên gia tâm thần học từng nói "Chừng nào chưa coi trọng bản thân, bạn còn chưa coi trọng thời gian". Trong cuộc sống mọi người không thanh toán mọi thứ bằng tiền mà bằng thời gian của họ. Vì vậy thai vì nghĩ đến việc bạn làm và thứ bạn mua dưới dạng tiền bạc, hãy nghĩ tới chúng dưới dạng thời gian. Hãy nghĩ xem điều gì đáng để bạn dành trọn cả cuộc đời? Từ đó bạn sẽ có cách quản lý thời gian hiệu quả hơn.

3. Quản lý các ưu tiên.
Quy luật chung thường cho thấy khi bạn không biết cách quản lý các ưu tiên, công việc của bạn sẽ luôn áp lực và giảm hiệu suất. Đặc biệt với vị trí ở giữa một tổ chức, bạn sẽ có một núi công việc cần xử lý John C.Maxwell đề xuất cách quản lý các ưu tiên như sau
- 80% quản lý - làm những việc bạn giỏi nhất
- 15% thời gian - làm những việc bạn đang học hỏi
- 5% thời gian- làm những việc cần thiết khác.
Có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu thực hiện nhưng bạn cần học cách giao quyền, tính kỷ luật và phải "nhẫn tâm" khi quyết định đâu là những việc không nên làm. Thích làm một số công việc không có nghĩa phải đưa nó vào danh sách việc cần làm. Hãy chỉ làm những việc có thể giúp bạn phát triển khả năng hoặc những việc cấp trên yêu cầu đích thân bạn làm. Tất cả những công việc còn lại đều là ứng viên cho danh sách những việc không nên làm của bạn.

4. Quản lý năng lượng
Ngay cả những người giàu năng lượng nhất cũng có thể bị rút bạn năng lượng trong những tình huống khó khăn hoặc không biết cách phân bổ, sử dụng chúng. Có 3 nhóm làm hao mòn năng lượng mọi người thường mắc phải gồm: 
- Làm những việc không quan trọng
- Không có khả năng làm những việc thật sự quan trọng,
- Không có khả năng ứng phó với vấn đề

Vì vậy để quản lý năng lượng bản thân tốt nhất, mỗi ngày bạn nên nhìn vào lịch làm việc của mình và tự hỏi " Việc nào là việc chính?". Từ đó hãy đảm bảo bạn có đủ năng lượng để thực hiện việc đó với tập trung và xuất sắc

5. Quản lý suy nghĩ
Kẻ thù lớn nhất của suy nghĩ sâu sắc là sự bận rộn. Khi bạn muốn trở nên xuất sắc, hãy biết cách quản lý sự bận rộn quanh mình. Nếu bạn thấy nhịn độ sống quá gấp gáp và không có phút nào để suy nghĩ trong cả ngày làm việc, hãy tạo thói quen viết nhanh ra giấy 4 đến 4 điều cần đầu tư thời gian để tìm cách giải quyết vấn đề. Sau đó tìm thời gian thích hợp để suy nghĩ về những điều đó.

Việc suy nghĩ chỉ mất khoảng 30 phút mỗi ngày, hoặc bạn có thể lưu lại những điều đó trong một tuần và dành thời gian trong ngày thứ 7, miễn sao đừng để quá lâu đến nỗi nó làm bạn nản lòng và sợ hãi. Hãy nhớ một nguyên tắc 1 phút > 1 giờ. Một phút suy nghĩ đáng giá hơn một giờ nói chuyện phiếm hay làm việc không có kế hoạch.

6. Quản lý lời nói
Các nhà lãnh đạo cấp cao thường không nghe lời bạn nói mà thường đánh giá cao hành động. Nếu họ ngừng việc làm lại để lắng nghe, những lời họ nghe sẽ có giá trị. Vậy hãy sử dụng ngôn từ hiệu quả nhất. Nếu bạn muốn lời nói của mình có sức nặng, hãy để tâm nhiều hơn đến chúng nếu bạn quản lý tư duy và tận dụng hiệu quả khoảng thời gian tập trung suy nghĩ, kỹ năng quản lý lời nói của bạn sẽ tiến bộ trông thấy. Đối với cấp trên, nếu bạn có điều gì đó đáng nói, hãy nói ngắn gọn và súc tích. Nếu không có gì đáng nói, đôi khi việc tốt nhất nên làm là giữ yên lặng.

7. Quản lý cuộc sống riêng
Điều cuối cùng, dù bạn làm việc và quản lý bản thân rất tốt ở chỗ làm nhưng cuộc sống của bạn là một mớ bung bét, cuối cùng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Có ích gì khi leo lên đỉnh cao sự nghiệp nhưng hôn nhân tan vỡ, bạn trở thành người xa lạ với con cái?
"Không có thành công nào trong sự nghiệp đáng để ta phải hy sinh gia đình của mình", John C.Maxcell cho biết. Vì vậy, ông định nghĩ thành công là có những người thân thiết nhất luôn yêu thương và tôn trọng mình. Ông muốn có được tình yêu và sự tôn trọng của vợ, con trước khi có sự tôn trọng của bất cứ ai làm việc với mình. Và bạn cũng thế chứ?

(Sưu tầm)

Sở thích và đam mê


Sở thích và đam mê khác nhau như thế nào? Chịu, không biết.

Nếu ai đó hỏi mình sở thích là gì? mình có thể trả lời rất, rất nhiều: xem phim, đọc sách, nghe nhạc, viết linh tinh, nấu ăn, du lịch, bơi, đi bộ, chạy bộ, vẽ, trồng hoa, cắm hoa, làm những món đồ nhỏ xinh xắn... nhiều, nhiều lắm.

Thế còn đam mê? cũng không biết luôn. Cho đến một lần mình đi offline ở SG của anh Đức Nguyễn, người mình vẫn hay theo dõi trên facebook và tìm kiếm thông tin trên trên internet thì đã tìm ra câu trả lời.

Đam mê = Sở thích + Khả năng và làm thường xuyên. Và cực kỳ thích làm việc này, dành thời gian cho nó dù bận thế nào thì vẫn có thời gian.

Trong tất cả những sở thích kể trên, chỉ có 2 thứ mà mình duy trì bấy lâu nay. Đó là đọc và viết. Mình thích đọc để tìm hiểu những gì mình chưa biết. Mình thích viết để nhìn lại bản thân mình. 

Mình không biết mình duy trì việc này trong bao lâu? nhưng cũng không cần biết trước, cứ duy trì những việc này một cách thường xuyên, đã, nhỉ!

Từ Bảo tàng mỹ thuật


Đây là bức ảnh mình chụp ở hành lang Bảo tàng Mỹ thuật SG. Tính tới thời điểm này, mình không biết đã trải qua bao nhiêu năm? nhưng khi bước chân trên lối hàng lang này, mình như muốn tìm lại những gì của ngày xưa, những ngày ngôi nhà này mới bắt đầu xây dựng lên của chủ Hỏa. Một trong tứ đại người giàu nhất Sài Gòn thời xưa.

Mình không phải quá đam mê mỹ thuật, hội họa mà muốn tới nơi này. Nhưng không hiểu sao lại rất muốn đến, có lẽ do mình đọc được những gì về ngôi nhà và chủ nhân nơi đây. Để tới nơi, mình thực sự choáng ngợp về khuôn viên rộng lớn, kiến trúc của tòa nhà, sự tinh tế từ những chi tiết nhỏ nhất. Qua bao nhiêu năm tháng, mọi thứ như vẫn còn nguyên vẹn. Tòa nhà thứ nhất trưng bày về những họa sĩ, bức tranh với nhiều thể loại và chất liệu khác nhau. Ở đó, mình ấn tượng về những điều sau đây:

1. Dòng tranh cổ động, đả kích sau năm 75: Nội dung truyền thông rất rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu. Nội dung truyền thông này vẽ nên những bức tranh rất sống động, đời thường với nhiều công cụ khác nhau trên giấy như bút chì, bút bi, màu nước, than. Thực tế hồi đó người ta không dùng từ truyền thông mà là tuyên truyền. Và không cần học hỏi đâu xa, chỉ cần học hỏi chính ở những bức tranh đó cũng đã ra được điều muốn học. Khi đã nắm được phương pháp truyền thông rồi thì mọi thứ đều có thể làm được trên mọi chất liệu, công cụ. Nếu không nắm được phương pháp và gốc dễ vấn đề thì dù công cụ có hiện đại đến đâu cũng không bao giờ làm được. Mình nhớ năm ngoái, mon men học Photoshop để có thể tự thiết kế các nội dung mình muốn truyền tải cho người tình trueCloud của mình. Nhưng sau phải từ bỏ, lý do, mình có mục đích, mình có công cụ, mình hiểu vấn đề, nhưng mình không có nguyên liệu, không có ý tưởng để làm được điều đó. Thế mới phục các cụ nhà ta ngày xưa ghê gớm.

2. Những ô cửa: Tòa nhà thứ nhất có tất cả 99 ô cửa, nghe nói lúc bắt đầu xây, có 100 ô cửa. Nhưng nhà nước không cho vì một ô cửa quá lớn, lớn hơn cả dinh độc lập. Lúc mình đi thăm quan Bảo tàng, mình không nhớ gì về chi tiết này. Những ô cửa ấn tượng với mình là rất đẹp, rất là những ô cửa sổ có ban công, trông giống như chỗ nơi để coi nhạc opera trong các bộ phim của Pháp ngày xưa. Có những ô cửa rất lớn, làm bằng gỗ vẫn giữ nguyên mặc dù có mối mọt. Cửa không kín mà là loại cửa chớp, lưu thông không khí nhưng vẫn tránh được gió lùa vào.

3. Thang máy: Nhà chỉ có 2 lầu, theo cách gọi của người Nam và 3 tầng, theo cách gọi của người Bắc. Nhưng vẫn có thang máy, thang máy bằng sắt được trạm trổ rất đẹp, nhìn y như trong phim trên tivi. Giờ thang máy không còn hoạt động nữa.

4. Gạch lát: Nếu bây giờ là gạch 90x90 thì gạch ở đây chỉ là 10x10 nhưng khi nhìn xuống nền gạch lại cho người ta cảm giác là 20x20 với họa tiết là những bông hoa rất hài hòa, đẹp mắt.

5. Nếu như căn nhà thứ nhất trưng bày về Mỹ thuật, thì căn nhà thứ 2 lưu giữ về những bức ảnh. Những bức ảnh miền Bắc xưa được người Pháp chụp và lưu lại ở đây. Hiện nay tổ chức bảo vệ di sản châu Á vẫn hoạt động và ở Việt Nam có 3 bảo tàng để trưng bày những di sản văn hóa như thế: SG, HN, Huế.

6. Căn nhà thứ 3 trưng bày về đồ gốm, tượng đồng, sơn mài. Và cũng là căn nhà nhỏ nhất trong 3 căn nhà, ở căn nhà này, mình không hình dung ra được sẽ dùng để làm gì. Cách thiết kế cầu thang xoáy ốc cũng rất độc đáo. Ở căn nhà này có nhiều gian phòng nhỏ, và có cả gian phòng vẫn còn nguyên một chiếc tủ gỗ. Mình đoán dùng để ở.

Không biết, ngày xưa, chú Hỏa xây dựng căn nhà này, bố trí các gian phòng và từng căn như vậy dùng như thế nào? Mình phải đi 2 lần ở căn nhà thứ nhất, cứ thơ thẩn như thể tìm lại những gì đã không còn nữa. Nếu có dịp, mình vẫn muốn quay lại nơi đây. Nơi mà bao nhiêu người nước ngoài tới tham quan, nhưng lại rất ít người Việt lui tới. Mức giá tham quan cũng rất rẻ, chỉ có 5k/ người

À, ở đó còn duy trì một lớp vẽ dành cho các em nhỏ.



Lời vàng của bố


Cuối tuần, mình lần cuốn sách này ra đọc. Hình như mua từ năm ngoái, nhưng chưa đọc được chữ nào cả. Lời văn dung tục đời thường của một ông bố nhưng lại rất thực tế, cuốn hút hàng trăm lượt theo dõi trên twiter, Đây là một cuốn sách thú vị nói về những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống, những điều người ta ít dám nói thẳng với nhau. Nhưng chính sự thẳng thắn đó, lời lẽ không hoa mĩ lại khiến người đọc rất thấm.

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Sự khác nhau giữa web hosting và VPS


Tuần vừa rồi, mình đi hội thảo " Hội thảo với chủ đề công nghệ số" với 3 nội dung chính: Cloud Bank, Online Service, E- Commerce được tổ chức giữa Việt Nam và Đài Loan.

Với chủ đề Online Service, mình chú ý tới mobile app "như một dịch vụ". App-as-a-Service mới so với các dịch vụ mà mình đã biết. Việc này có nghĩa, thay vì các công ty cần một app trên moblie phải tự phát triển thì có thể thuê từ bên thứ 3 "như một dịch vụ" theo tháng

Về chủ đề E- Commerce, hiện nay người ta dùng 3 cách để thúc đẩy mạnh thương mại điện tử: website, mobi all và store thay vì chỉ là website hay mobi app. Việc kết hợp này sẽ hỗ trợ cho nhau trong việc tìm kiếm khách hàng mới va duy trì khách hàng cũ, App sẽ thu hút được khách hàng mới, trong khi đó khách hàng cụ lại thích sử dụng website. Công ty nào kết hợp được cả hai hình thức này sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Việc này khiến mình nhớ lại lần mình đặt vé máy bay qua website, mình phải mất 2h mới đặt xong một cách hết sức kiên nhân ở khâu thanh toán. Trong tuần mình rất khâm phục và thấu hiểu cảm giác này của khách hàng bên mình khi lần đầu tiên mua dịch vụ CDN để cải thiện tốc độ load ảnh và video cho website. Mình không ngờ từ trước tới nay có nhiều khách hàng bên mình có thể kiên nhẫn như thế. Thường người ta sẽ chỉ kiên nhẫn khi người ta cần. Nhưng việc này sẽ không kéo dài lâu nếu như có một công ty khác cung cấp dịch vụ nhanh hơn. Một dịch vụ online không được phép thử thách lòng. Việc này phải cải thiện gấp.

Hiện nay mỗi doanh nghiệp đều có một website giới thiệu về công ty với dung lượng dữ liệu từ khoảng 300Mb đến 7.000Mb với mức giá từ 30.000 VNĐ đến 490.000 VNĐ/ tháng. Người ta có thể sử dụng email đi cùng với các gói hosting này tối thiểu từ 10 email trở lên là đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.

Thỉnh thoảng khách hàng hỏi mình, bên mình có cung cấp dịch vụ hosting không? Thường mình sẽ trả lời là Không vì đa phần mọi người hiểu về hosting như trên. Thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhiều hơn dịch vụ hosting thì sẽ sử dụng sang VPS và máy chủ. Như vậy website sẽ cần dữ liệu nhiều hơn, lượng truy cập lớn hơn thường rơi vào những website giải trí, thương mại điện tử. Hay sẽ sử dụng VPS, máy chủ đi cùng với các ứng dụng khác trong doanh nghiệp.

Để dùng VPS, máy chủ, cloud server làm hosting chạy một hay nhiều website trên đó, người ta cần cài đặt thêm các phần mềm quản lý website như Plesk, cPanel, Direct Admin hỗ trợ. Tuy nhiên vẫn có thể làm thủ công mà không cần đến các phần mềm này nhưng sẽ cực hơn, mất thời gian và phải rất.. giỏi. Mình nghĩ thế ^^

Như vậy, có thể hình dung web hosting giống như một chiếc giường tầng trong ký túc xá sinh viên, thì VPS giống như một căn phòng trong một ngôi nhà có rất nhiều căn phòng và máy chủ là ngôi nhà riêng biệt.

Dốc hết trái tim


Mua cuốn sách này từ 5 năm trước, tới giờ mình mới đọc. Một cuốn sách chia sẻ về cách Starbucks xây dựng công ty bằng từng tách cafe như ngày hôm nay. Nhớ thời điểm Starbucks mới vào SG, người ta đã phải sắp hàng để mua một ly cafe này giữa trời nắng chang chang, điều gì thu hút khách như vậy giữa bao nhiêu thương hiệu cafe như thế?

Trong câu chuyện về Startbucks người mẹ đã truyền cảm hứng cho Howard, đã truyền cảm hứng cho ông về giấc mơ Mỹ mặc dù bản thân bà chưa bao giờ tốt nghiệp trung học, và giấc mơ lớn nhất đời bà là cho cả 3 đứa con đi học đại học." Bằng sự khôn khéo, thực tế  và cương quyết của mình, bà đã mang lại cho Howard một niềm tin to lớn. Hết lần này đến lần khác, bà đặt tấm gương của những người thành công trước mặt Howard, chỉ cho Howard thấy những người đã tạo nên một điều gì lớn lao trong cuộc sống và khăng khăng rằng Howard có thể đạt được bất cứ thứ gì Howard muốn, nếu Howard dành cả trái tim mình cho nó".

Và ông đã tìm thấy niềm đam mê vào những ly cafe và khao khát cả thế giới được thưởng thức như ông đã thưởng thức. Đối với những người sáng lập Starbucks, chất lượng là điều tối quan trọng. Và Starbucks chọn ra triết lý kinh doanh cho mình như

1. Trước hết, mỗi công ty phải đại diện cho một cái gì đó. Starbucks không đơn thuần đại diện cho cafe ngon, nó đại diện cụ thể cho hương vị cafe rang sẫm màu mà những người sáng lập ra nó yêu thích. Đó là điều khiến Starbucks trở nên khác biệt và tạo nên bản sắc cho nó

2. Không phải lúc nào cũng chỉ trao cho khách hàng cái họ yêu cầu. Nếu bạn mang lại cho họ thứ gì dó họ chưa hề trải nghiêm, thứ gì đó ở tầm cao hơn đến mức cần có thời gian họ mới có thể phát triển được khẩu vị của mình, bạn sẽ tạo ra được trong họ cảm giác khám phá, cảm giác phấn khích và sự trung thành kéo họ về phía bạn. Có lẽ sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng nếu bạn sở hữu một sản pẩm tuyệt vời, bạn có thể giáo dục cho khách hàng cách yêu thích nó thay vì cố lạy lục cấu mong thu hút được cả thị trường.

3. Những người sáng lập nên Starbucks đã hiểu được một chân lý cơ bản về kinh doanh: Để có được một ý nghĩa nào đó đối với khách hàng, bạn cần tiếp cận nhận tri thức và sự tinh tế rồi truyền lại cho những người muốn học hỏi. Nếu bạn làm được thế, thị phần bé nhỏ có thể nhanh chóng phát triển to lớn hơn cả trí tưởng tượng của bạn


Mình cực thích cách sử dụng logo của Starbucks, vẫn giữ được sự nhận diện nhưng rất sinh động, đời thường!

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

King of copywritting


Để viết hay, hấp dẫn người đọc đòi hỏi rất nhiều yếu tố: một đề tài hay, lối dẫn dắt văn phong cuốn hút, câu chữ súc tích dễ hiểu. Nhưng tất cả sẽ không mấy ý nghĩa nếu thiếu đi một creative concept (ý tưởng sáng tạo) để đẫn dắt. Đây chính là một phần hồn giúp một bài viết bình thường có sự quyến rũ của một câu chuyện. Ai chả thích "đọc chuyện" cơ chứ!

Như thế nào là một creative concept cho một bài viết? thay vì giải thích câu chữ loằng ngoằng nhức đầu tôi xin lấy một ví dụ sau

Trong marketing, đã có hàng trăm bài viết về USP- Unique selling propostion (điểm bán hàng độc nhất) của một thương hiệu. Cái USP trong tâm trí khách hàng này có cách nào diễn đạt hay ho hơn thay vì mô tả theo lỗi thông thường? Bạn đã bao giờ nghe đến từ Vantage point (Điểm chốt?) đây là từ chỉ một vị trí địa lý độc nhất nào đấy. Ví dụ đêm giao thừ ai mà tìm được một vantage point xem pháo hoa thì chỉ có nhất quả đất. Tiếp tục brainstorming nhé. Vậy bạn đã bao giờ xem một bộ phim hành động cuungx có tên là Vantage point tuyệt vời của Hollyhood? Bộ phim kể về... nhiều thứ hấp dẫn. Và bạn phải nín thở đế xem vì hồi hộp từ đầu đến đuôi. Chốt lại là ai có được một Vantage point người đó sẽ có cơ hội chiến thắng.

Đọc đến đây chắc bạn đã hiểu creative concept (cho một bài viết) là gì rồi. Nói thế này cho nó nhanh. Khi viết về một USP của thương hiệu, Vantage point chính là một creative concept rất đắt để thể hiện. Còn tên bộ phim trùng tên Vantage point chính là một thứ gia vị giúp bài viết có "mùi vị" của một story. Thay vi đọc một bài viết học thuật khô khốc, người đọc sẽ có cảm giác như xem một bộ phim hành động. Hấp dẫn và hồi hộp

Vậy làm thế nào để có một creative concept gây nghiệp như ma túy?

Trong marketing người ta hay nói "Content is the King". Đối với một bài viết, tôi gọi "Concept is the King". Vua phải có ngai vàng. Đã là ngai vàng tất nhiên không dễ để chiếm. Bạn phải khát vọng cháy bỏng vì nó. Mất ăn mất ngủ vì nó (tất nhiên là không thường xuyên hehe). Chưa đủ. Bạn phải có năng lực để cướp lấy nó. Vẫn chưa đủ. Thỉnh thoảng bạn phải có đôi chút may mắn mới có thể sở hữu nó. Mệt phết nhỉ?

Quá trình để có được một concept hay để viết bài cũng diễn ra y chang như vậy

Làm nghề tư vấn thương hiệu, công việc của tôi thường liên quan đến viết. Topic không thiếu. Fact & Figures dẫn chứng thực tế có đầy. Nhưng khó khăn nhất, vật vã nhất là tìm ra concept hay để chuyển tải. Có những lúc concept rơi vào đầu rất tình cờ khi đang xem một bộ phim, đang nghe một bản nhạc hay ngồi cafe với bạn bè. Nhưng bạn đừng nghĩ bỗng dưng sung rụng vào mồm nhé. Có nhiều bạn hỏi tôi bí quyết nào để có cách viết hay và concept hấp dẫn. Chả có bí quyết gì sất. Bí quyết duy nhất là bạn có bị "ám ảnh" về một đề tài để viết và có những hứng thú để tìm một concept để viết hay không?

Kể cả khi concept rơi vào đầu bạn thì đó không phải sự ngẫu nhiên. Đó là kết quả của cả một quá trình trăn trở suy nghĩ từ trước đấy của bạn. Quá trình này dân trong nghề gọi là incubation process (gọi nôm na là quá trình "ủ" ý tưởng)

Joseph Sugamanla một trong những coptwritter nổi tiếng nhất của Mỹ. Ông cho rằng incubation process là tiền đề không thể thiếu để có một concept hay. Không như giải một bài toán, bạn không thể "quyết tâm" là có ngay concept trong một thời gian mặc định. Khi có định viết về một topic nào đấy, trong đầu tôi nhảy nhót loạn xạ hàng chục concetps. Nếu may mắn tôi vồ được một concept tốt và bát tay viết luôn. Nhưng đa phần, concept tốt chỉ đến khi tôi đã có đủ thời gian "ủ mầm" để đủ chín.

Thường khi đã có concept phù hơp, viết thành bài chỉ là loại lao động nông nhàn. Nhiều khi chỉ mất 01 tiếng  đồng hồ cắm cúi không ngước mặt lên là xong. Nhưng để có một tiếng đó, nhiều khi tôi phải mất mấy ngày, thậm chí hàng tuần cho incubation process. Tôi lại nhớ một câu nói của Abraham Lincoin "Nếu cho tôi 6 tiếng để chặt một cái cây, tôi sẽ dành đến 4 tiếng để mài rìu". Ngài Lincoln mài rìu thật siêu (hèn chi trong phim "Lincoln- the wampire hunter" ông chém ma cà rồng kinh thế). Nếu là tôi, tôi phải dành gần trọn 6 tiếng đó để mài mất. Có cái rìu sắc ngọt, tôi chỉ cần vài phút để giải quyết cái cây thôi. Vèo phát xong ngay. Như lincoln chém ma cà rồng.

Nếu một ngày tôi tình cờ được may mắn ngồi cafe với bạn, nhỡ may tôi sao nhãng câu chuyện của chúng ta. Xin bạn đừng trách tôi. Có thể lúc đó, tôi dang "mài rìu" đấy. Nhưng bạn yên tâm, sẽ chỉ thoáng qua thôi. Tôi chẳng dại gì một concept bài viết vớ vẩn nào đó mà làm hỏng câu chuyện của chúng ta cả.

Nếu xem xét một bài viết là một vương quốc thì concept chính là vị vua. Bạn đã thấy một quốc gia nào không có một vi vua đứng đầu chưa?

Đức Sơn

Xây dựng thương hiệu bằng cảm xúc

Tôi không cho rằng thương hiệu nào cũng có thể chiếm lĩnh trái tim khách hàng bằng cảm xúc. Rất tít thương hiệu làm được điều này. Vì phần lớn các ông chủ xem thương hiệu của mình là công cụ kiếm tiền (Rất thích đáng) thay vì là phương tiện thực hiện hóa đam mê cá nhân của họ. Có nhiều con đường đến một thương hiệu trở thành một lovemark (thương hiệu cảm xúc). Các con đường này đều có một đặc điểm chung: từ trái tim đế trái tim, không phải từ logic đến trái tim.

Muốn làm rung động người khác thì bản thân mình phải rung động hàng nghìn lần
Thương hiệu rất giống con người về cách tiếp cận, gây cảm tình và phát sinh quan hệ. Một chàng trai có thể sở hữu một cô gái bằng tiền và quyền lực. Tiền hết tình sẽ đi theo, Nhưng anh ta chỉ không thể làm rung động cô gái nếu trái tim anh ta không thổn thức. Một thương hiệu có thể "mua" được nhận biết khách hàng bằng cách chi phí dội bom cho quảng cáo. Có thể lôi kéo khách hàng đến với mình bằng một số thủ thuật truyền thông khéo léo. Nhưng ngân sách quảng cáo giảm là sales giảm. Thủ thuật giúp khách hàng tò mò và cao hơn nữa là dùng thử một lần. Nhưng làm thế nào để giữ chân họ? làm thế nào để họ tự nguyện chia sẻ và thậm chí thuyết tphucj bạn bè dùng sử dụng? nếu khách hàng không cảm được tình yêu cảu người chủ thương hiệu gửi gắm vào sản phẩm dịch vụ của họ đừng hy vọng sẽ làm những điều này.

Ông Richard Branson- Ông chủ của Tập đoàn Virgin đã nói rằng khi mới ra đời hãng hàng không Virgin của ông khi so với ông khổng lồ British Airway chẳng khác gì châu chấu đứng trước voi. Mọi cái đều thua xa. Nhưng ông có một thứ mà đối thủ không có được: tình yêu của ông và những cộng sự của ông dành cho Virgin. Dĩ nhiên không ai thu hút khách hàng chỉ bằng lời nói suông. Virgin của Richard Branson đã thực hiện những hành động thiết thực để cung cấp dịch vụ tận tâm và tràn đẩy cảm hứng tới khách hàng của mình. Vũ khí cạnh tranh lớn nhất của Virgin có được chính là con người. Những người đã yêu thương hiệu của mình rất nhiều lần để lan tỏa tình yêu đó đến khách hàng của Virgin.

Cảm xúc không mua bằng tiền nhưng cảm xúc cũng không sống bằng nước lã
Trong thế giới ngày nay, hầu hết mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền? Tại sao những ngôi sao đỉnh nhất của thế giới bóng đá đều lần lượt hạ cánh xuống sân Beunabeur của Real Madrid, Zindan, Figo, Ronaldo béo, Beckham, Kaka. Tiền. Rất nhiều tiền. Điều đáng nói ở chỗ tất cả bọn họ đều có tình yêu với câu lạc bộ cũ trước đó. Những celebrity như Beckham và Roanldo yêu Man United như thế nào khỏi phải tranh luận. Rời xa sân Old Trafford cả tỷ thời gian rồi nhưng cảm xúc của họ dành cho tình đầu vẫn rất sâu đậm.

Real Madrid đã dùng tiền để mua sự phục vụ của các siêu sao. Họ có mua được tình yêu cảu những Beckham hay Ronaldo? Câu hỏi này không quan trọng bằng câu hỏi dành cho những câu lạc bộ bị họ cướp mất ngôi sao: Man United. Đối với Ronaldo và Beckham sân Old Trafford đích thực là một thương hiệu cảm xúc. Cảm xúc của họ đến từ tình yêu cuồng nhiệt mà nơi đó đã dành cho họ: từ HLV đến các đồng đội và khán giả. Và điều này rất quan trọng: Man Untied không chỉ có tình cảm xuông, họ cũng dành nheiefu tiền cho các ngôi sao của mình. Nếu không được đãi ngộ xứng đáng có lẽ Beckham và Ronaldo cũng đã rời United từ lâu trước khi tỷ phú Real Madrid ném va ly tiền vào cửa. Và tất nhiên Ronaldo và Beckham cũng chẳng đủ thời gian để cảm để yêu Man UNited đến vậy.

Trước khi nghĩ tới khách hàng, hãy nghĩ tới bản thân trước
Emotional branding là chung phục cảm xúc của khách hàng. Phải quan tâm đến họ, phải nghĩ đến cảm xúc của họ đầu tiên chứ. Nghe có vẻ vậy nhưng không hẳn vậy. Xây dựng thương hiệu xu hướng cảm xúc thực chất theo hướng inside-out - từ tự thân người chủ thương hiệu truyền cảm hứng cho khách hàng nhờ tình yêu cảu họ dành cho đứa con tinh thần của mình.

Ông chủ của Starbusks cafe khi đưa cafe expresso vào nước Mxy đâu không phải muốn lấy lòng và chạy theo thị hiếu của khách hàng. Sau khi bỏ hẳn một tháng để một mình lang thang hơn 100 quán cafe expresso ở thành phố Milan nước Ý. Howard Schultz như mê muội loại cafe pha bằng hơi sữa được phục vụ trong mỗi tách sứ trắng mini. Ông đơn giản muốn nhân rộng loại đồ uống tuyệt vời này cho nhiều người thôi. Khi cửa hàng đầu tiên trong ngày đầu tiên phục vụ expresso ở Mỹ, Howard đã đến sớm, nín thở quan sát xem phản ứng của những người khách hàng đầu tiên nhấp những ngụm expresso đầu tiên. Rõ ràng nhịp đậu trái tim của Howards đã rung lên một ngàn lần trước khi nhịp đậu khách hàng của Stabuks rung theo.

Có nhiều con đường đến một thương hiệu trở thành một lovemark. Các con đường này đều có một đặc điểm cung: từ trái tim đến trái tim, không phải từ logic đến trái tim. Nếu chưa đủ rung động để xuất phát từ trái tim, thương hiệu hãy chọn con đường khác. Mọi con đường đều dẫn đến La Mã. Mọi cách làm thương hiệu đều phục vụ cho mục đích bán hàng. Nhưng chỉ có một con đường bán được hàng vừa có được tình yêu cảu khách hàng: xây dựng thương hiệu bằng cảm xúc

Đức Nguyễn

Vịt áp chảo




Nguyên liệu
- Vịt cỏ 1 con (1-1,5kg)
- Hành tây: 1 củ
- Hành tím, tỏi, chanh, ót, 3 cái hoa hồi, 1 thanh quế nhỏ, 1 gói ngũ vụ hương
- Nước mắm, nước hàng, đường, mật ong, tiêu
- 1 trái dừa xiêm

Cách làm:
- Vịt làm sạch lông, dùng muối và dấm làm sạch lần 1. Sau đó dùng gừng và rượu trắng rửa sạch lần 2 để khử hôi
- Để vịt ráo nước, chặt miếng vừa ăn
-  Hành, tỏi, ớt, hoa hồi, quế giã nhỏ
- Ướp vịt với: tiêu + 1 thìa cafe đường + 1 thìa cafe nước mắn ngon + 1 gói ngũ vị hương. Dùng tay trộn kĩ các loại gia vị với nhau. Sau đó cho hành, tỏi, hoa hồi, quế vào, trộn đều, bọc kín để tủ lạnh 3 tiếng, qua đêm là ngon nhất
- Rán vàng vịt ở lửa nhỏ, nhớ gạt tỏi hành để vịt không bị cháy, đậy vung để vịt chín vàng đều hai mặt. Nhắc vịt ra, để ráo đầu
- Làm nước sốt: 200mil nước dừa + 1 thìa phở nước mắm + 1 thìa mỡ vịt + 1 thìa phở mật ong + 1 thìa phở nước cốt chanh + 3 thìa cafe nước hàng (thay bằng mật mía sẽ rất thơm) + 1 thìa tỏi băm + thìa hành tây băm. Trộn đều nước sốt.
- Cho vịt vào chảo sâu lòng, đổ nước sốt vào đun nhỏ lửa, đậy vung lại để đến khi nước sốt sánh lại, màu cánh gián phủ đều vịt là ngon ^^

Cách làm nước chấm:
- 1 chén tương ót ngọt
- 1 quả ớt hiểm bằm nhỏ
- 1 củ tỏi bằm nhỏ
- 1 củ sả bằm nhỏ
- 1 vài lá chanh thái nhỏ
- 5 quả quất
- 1 thìa dấm
- 2 thìa phở đường
- 2 thìa cafe bột canh

Hòa các nguyên liệu này với nhau, nêm nếm vừa miệng, quất vắt lấy nước cốt rồi thái  mỏng vỏ cho vào cho thơm. Thế là măm thôi ^^

Bún ốc



Mình thích ăn bún ốc, ở ngoài HN thích ăn nhất bún ốc Bà Sáu ở Mai Hắc Đế. Thường về HN phải qua đó ăn một bát cho thỏa, mà bún ốc chấm mới ngon làm sao. Hôm nay tìm được một bạn làm món bún ốc, ghi lại để có dịp làm bún ốc. Không biết ở trong SG làm ốc nào ngon nhỉ? không có ốc nhồi, ốc mít thì không nhưng ốc bươu vàng thì nhiều lắm hihi

Nguyên liệu
- Ốc nhồi hoặc óc mít 1gk
- Bún
- Xương xục để ninh làm nước dùng (nước lèo)
- Cà chua 6 quả
- Bỗng rượu
- Hành lá, tía tô, mắm tôm
- Gia vị: bột nêm, đường, muối

Cách làm
- Ốc mua về rửa sạch, ngâm vài giờ cho nhả hết đất, cát bẩn và bớt nhớt. Có thể bỏ con dao hoạc vài quả ớt để ốc mở miệng nhanh. Sau vài giờ thì rửa sạch ốc 2-3 lần cho sạch hẳn, bỏ luộc.
- Đổ nước xâm xấp ốc, luộc cho vừa chín tới. Nếu luộc quá, ốc sẽ bị dai
- Ốc chín, đổ ra nhể lấy thịt và ruột (phần có chứa trứng), để riêng ra một đĩa.
- Phần nước luộc ốc lọc lấy phần nước trong để lát làm nước dùng
- Trong khi luộc ốc, bỏ xương ninh lấy nước. Nhớ luộc xương bỏ nước đầu rồi thêm 1 thìa hạt nêm khi ninh xương nước 2. Ninh nhỏ lửa cho nước được ngọt. Chú ý: Nước xương ở đây KHÔNG bắt buộc. Nhưng nếu có nước ninh xương, nước dùng sẽ ngon hơn.
- 2 quả cà chua thái nhỏ, phi thơm làm nước màu. 4 quả còn lại bổ múi cau để thả và nồi nước dùng.
- Cho 1 muỗng dầu ăn vào nồi, phi hành cho thơm, bỏ cà chua chín mềm, bỏ vào nước xương, nước luộc ốc và thêm nước lọc (Nếu cần). Thêm bỗng rượu, hạt nêm, đường cho vừa miệng. Thả cà chua bổ múi cau vào. Đun sôi nước hạ nhỏ lửa đun âm ỉ.
- Hành lá, tía tô xắt nhỏ vừa ăn
- Trình bày: Cho bún đã được trần nóng vào bát, thêm hành tía tô, bày ốc vào, thêm mắm tôm rồi han nước dùng là măm măm thoai.
- Có thể thêm thịt bò, đậu chiên và tương ớt nhé. Mình khoái ăn bún ốc này phải thật nóng, thật cay mới đã hehe.

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Tuyển & Dụng!


"Không có nhân viên dở, chỉ có sếp dở". Điều này có nghĩa là sự dở của nhân viên là do sự lựa chọn của sếp từ khâu tuyển dụng đến khâu đào tạo và thử thách. Người lãnh đạo phải chịu 100% về kết quả của người lao động.

Mình nhắc tới câu nói trên vì trong tuần vừa rồi, có một bạn làm bên công ty đối tác bảo với mình đang cần tuyển sales nữ trong ngành hosting và tên miền. Mình hỏi sao không tuyển nhân viên mới ra trường cũng được mà. Bạn bảo các em không hiểu về ngành, nên không làm được. Bạn bảo các em không hiểu dịch vụ mình đang bán nên ngại nói chuyện với khách hàng, nếu có nhu cầu của khách hàng thì thường phải đi kèm với kỹ thuật chứ không chủ động tư vấn được một mình. Thực ra không hiểu dịch vụ chỉ là một phần, mà kỹ năng mềm của các bạn cũng chưa được tốt. Mình cũng đang học và rèn luyện kỹ năng mềm miệt mài í chứ :-)

Thực tế, thời gian trước mình cũng có quan điểm như bạn ấy. Mình luôn nghĩ sales lĩnh vực CNTT phải có hiểu biết về sản phẩm/ dịch vụ mình đang bán, phải tư vấn được, phải, phải... Giờ mình nghĩ đơn giản hơn, một kinh doanh giỏi là bán được hàng, còn bán bằng cách nào thì tùy vào năng lực và cách làm của từng bạn. Không nhất thiết bạn phải biết tất cả mọi thứ về sản phẩm hay dịch vụ bạn đang bán. Nhưng bạn phải biết bạn đang bán gì? ai sẽ mua dịch vụ của bạn? và mua để làm gì? Sản phẩm/ dịch vụ của bạn khác gì so với các sản phẩm/ dịch vụ đang có trên thị trường. Khi bạn trả lời đượ các câu hỏi trên thì bạn sẽ bán được hàng. Và điều không kém phần quan trọng là bạn phải hiểu được khách hàng đang cần gì? Mọi thứ đều có vẻ lý thuyết nhưng thực tế bạn không nắm được những việc đó thì bán hàng rất vất vả.

Trong ngành lĩnh vực CNTT, thường mình thấy các bạn từ dân kỹ thuật chuyển sang làm kinh doanh dễ dàng hơn các bạn ngành khác làm kinh doanh lĩnh vực này. Ưu điểm của các bạn kỹ thuật chuyển sang làm kinh doanh là các bạn hiểu sản phẩm/ dịch vụ mình đang bán khách hàng dùng để làm gì. Khi hiểu, biết về nhu cầu khách hàng, các bạn có thể tư vấn cho khách hàng dùng thay vì cần một tư vấn kỹ thuật đi cùng tư vấn cho khách hàng của bạn

Cafe sáng chủ nhật


Cuối tuần đi cafe sáng chủ nhật, lâu rồi không đi, vẫn là quán cũ, chỗ ngồi quen thuộc có ô cửa sổ nhìn ra cái sân đầy nắng. Hàng cây bàng Đài Loan cao vun vun che hết nắng cho khoảnh sân nhỏ, vắng, chỉ có mấy chú chim sẻ lích chích kiếm ăn. Cảm giác lúc đó thật bình yên, không nghĩ ngợi gì cả, chỉ để mình chìm vào trong cái khoảnh sân đầy nắng và bình yên ấy. Bỗng có hai cô bé xuất hiện trên chiếc xe đạp nhỏ, trông như xinh đôi, Cũng như những chú chim trẻ nhỏ kia, hai cô bé chơi đùa với nhau, giỡn với nhau và cô lớn hơn trở cô nhỏ trên chiếc xe xinh xắn như thế này.

Mình ngồi trong quán, nhìn thấy những hình ảnh ấy, bỗng thấy yêu cuộc sống đến thế. Sau này thích có một căn nhà có một khoảnh sân nhỏ nhiều cây, nhiều nắng như thế, để bọn trẻ con có thể đùa giỡn như hai cô bé này.

Tâm lý mua hàng



Mấy hôm nay mình cực kỳ thích mua chiếc bàn là hiệu Philips có khả năng cảm biến theo từng loại vải, là được tất cả các loại vải khác nhau bằng hơi nước. Chỉ cần một đường là quần áo phẳng phiu. Hiệu bàn là Philips cũng khá nổi tiếng trong lĩnh vực gia dụng, mỗi một thương hiệu sẽ nổi tiếng ở một lĩnh vực nào đó hoặc một nhãn hiệu sẽ làm nên một thương hiệu (thực tế mình cũng chưa phân biện được nhãn hiệu khác với thương hiệu như thế nào) hihi.

Quay trở lại vấn đề có nên mua chiếc bàn là đó không? mặc dù bây giờ đang ở giai đoạn giảm giá của các siêu thị điện máy như Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn đều giảm 600k khi mua sản phẩm này. Đây là sản phẩm đắt nhất trong tất cả các loại bàn là với các thương hiệu khác nhau của hai trung tâm điện máy này. Với số tiền giảm đó cũng khá lớn, nhưng mình vẫn băn khoăn có nên mua hay không khi mà ở nhà đang có một cái bàn mà mình mua từ hồi mới vào SG. Chiếc bàn là hiệu Panasonic, không là hơi, không cảm biến với số tiền chưa bằng số tiền chiếc bàn là đang muốn mua. Nhưng vẫn dùng tốt, không hỏng, chỉ khác là là quần áo không phẳng phiu và tốn khá nhiều thời gian. Xét về mặt khấu hao tài sản giống như các công ty thì cái bàn là cũ đã hết giá trị khấu hao lâu rồi. Do chưa hỏng nên vẫn tiếp tục xài được và sẽ mất thời gian là, quần áo là lại không phẳng đẹp. 

Nhưng nếu mua chiếc bàn là mới, chiếc bàn là cũ lại bỏ đi, gây lãng phí. Mình vốn tính tiết kiệm, chưa hỏng sẽ không vứt. Và việc mua một chiếc bàn là mới khá mắc tiền, nên lại băn khoăn.

Việc này khiến mình liên tưởng đến việc khách hàng bên mình đang băn khoăn lựa chọn sử dụng dịch vụ máy chủ vật lý (Dedicated server) hay máy chủ đám mây (Cloud Server). Cũng tương tự như mình đang băn khoăn từ bỏ một thứ đang dùng nhưng chưa hỏng với một thứ mới, tốt hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Và thực sự không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng từ bỏ cái cũ, cũng như bản thân mình, nhiều khi nhận thức được cái nào tốt hơn, tiết kiệm thời gian hơn nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Nhỉ :-)

Việc sử dụng máy chủ đám mây để chạy các ứng dụng ERP, CRM... có tính năng failover để đảm bảo các ứng dụng phần mềm có chế độ uptime cao, không gián đoạn trong quá trình sử dụng chưa hẳn đã được đánh giá cao cho đến khi có sự cố xảy ra. Thời gian số lượng nhân viên không làm việc do hệ thống không hoạt động cũng là chi phí của doanh nghiệp, nhưng một năm sự cố chỉ xảy ra 1,2 lần chứ mấy hihi

Vậy điều gì quyết định khách hàng mua hàng? nhất là trong lĩnh vực CNTT? Nếu là ngành tiêu dùng thì đơn giản hơn. Chỉ cần khách hàng thích một món đồ gì đó, đôi khi người ta mua chỉ vì thích thể hiện. Nhưng đối với ngàng CNTT, khách hàng chỉ mua khi thấy thật cần thiết, hay giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nhìn thấy giá trị thực của sản phẩm/ dịch vụ.