Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Đọc sách để làm gì?

Chưa bao giờ hỏi đọc sách để làm gì? Nhớ lại ngày nhỏ, qua những câu chuyện cổ tích bà kể từ khi chưa biết đọc biết viết. Để khi biết thì đọc say mê những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam trong sách giáo khoa. Hồi ấy trẻ con không có nhiều sách phong phú như bây giờ. Rồi qua câu hát của bà  "A, B, C ...." già trước trẻ sau mà nhớ đến tận bây giờ. Bà không hề biết chữ nhưng thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ

Rồi những lúc ăn cơm ngoại vẫn thường đọc
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Canh rau muống là món ăn thường nhật, chưa bao giờ nghĩ có lúc lại thèm canh rau muống chấm tỏi ớt đến thế. Còn tương thì bà làm, sau giờ tan học lục nồi vét cơm nguội chan canh rau muống ăn với nước tương sao mà ngon lạ. Ngày nhỏ hay được ăn món tương trưng trứng vừa ngon vừa bùi. Giờ vẫn có nhớ hương vị của món ăn này. Còn cà dầm tương thì chính là loại cà pháo muối ăn với tương.

Rồi lên cấp II, những giờ ra chơi luôn tràn xuống sân trường nhặt lá vàng rơi. Loại lá cây xà cừ vàng óng ánh xâu thành chuỗi dài. Cuối giờ mỗi đứa vài chuỗi như thế mang về để nấu cơm chiều. Đến giờ ngôi trường xưa đã thay đổi xây thêm nhiều lớp học mới nhưng những câu xà cừ trong sân trường vẫn như xưa. Nhưng trẻ con không còn nhặt lá như ngày xưa nữa. Mỗi bận đi qua trường, những đám lá vàng vẫn rơi đầy sân.

Hồi lớp 7, trường có cô giáo dạy văn mới, thật hiền và xinh. Những giờ văn cô dạy luôn cuốn hút với những vần thơ, câu văn qua giọng nói nhẹ nhàng và ngọt ngào. Cô chỉ dạy ở đó 2 năm rồi thôi để học lên cao. Cho đến năm cấp 3 thì lại học lại cô giáo này. 


Cuốn sách đầu tiên có là do cô giáo tặng. Đó là cuốn "Tottochan, cô bé bên cửa sổ". Một thế giới khác, văn hóa khác trong cuốn sách cuốn hút một cách kỳ lạ. Từ đó bắt đầu thích đọc, đọc tất cả những gì có trong trang sách, đi mượn. Đọc đơn giản vì thích.

Lên cấp III, những vần thơ của những nhà thơ mới như Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính.. có sức hút kỳ lạ. Có thể qua cách giảng văn của thầy giáo già khó tính và dạy văn hay nhất trường. Những bài thơ mới như thổi vào tâm hồn một làn gió mới. Đúng kiểu "Chỉ biết yêu thôi, chả biết gì".

Thích thơ Xuân Diệu lãng mạn nhưng lại đọc không sót chữ nào về cuộc đời của Hàn Mạc Tử. Thích những vần thơ say và điên về trăng, về những mối tình lãng mạn của chàng thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh. Những bài thơ của Nguyễn Bính giản dị, gần gũi tự nhiên như hơi thở của cuộc sống.

Hồi ấy sách, truyện là hiếm. Những tờ báo dành cho tuổi học trò như Mực Tím, Hoa Học Trờ, Nữ Sinh luôn háo hức đón đọc. Từng tập truyện Tứ qoái TKKG ra hàng tuần vẫn được giữ đến tận bây giờ hay những bộ truyện như Doremon, Subasa- Đường dẫn đến khung thành, Siêu quậy Teppy, Bảy viên ngọc rồng..

Đọc để biết nhiều thứ hơn, đôi khi chỉ đơn giản để relax, để phiêu
Đọc để nhìn cuộc sống qua một lăng kính khác, một góc độ khác để thấy những điều cần biết có nhiều màu sắc hơn.
Đọc để cho cuộc sống thêm chút lãng mạn, chút buồn, chút vui
Đọc để thỏa mãn trí tưởng tượng về thế giới, con người
Đọc để biết mình ngu như thế nào và ngu đến đâu :-D
Đọc để phân biệt đúng, sai và đặt giới hạn cho bản thân ở mức tương đối nào đó.
Đọc để thấy dần dần những điều thú vị trong những cuốn sách mà trước đó thấy khô khan, tẻ nhạt và vô bổ
Đọc để thấy sách vẫn chỉ là sách, còn mình thì thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét